Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào 2050
Ngày 1/11, tại Hội nghị Thượng đỉnh của các Nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 (Ảnh: PV) |
Trước cam kết này, đại sứ Anh tại Việt Nam, Gareth Ward, chia sẻ ấn tượng với cam kết giảm phát thải ròng bằng không vào năm 2050 của Việt Nam. Mục tiêu này cho thấy quyết tâm của Việt Nam, đóng góp cho nỗ lực chung nhằm giữ nhiệt độ Trái Đất tăng lên không quá 1,5 độ và ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.
Vương quốc Anh mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam để đạt được kết quả thành công tại COP26, và hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện những cam kết này, đặc biệt là quá trình chuyển dịch năng lượng, dựa trên nguồn tài chính khí hậu quốc tế.
Trong khi đó, nhằm hưởng ứng Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 26 (COP26), ngày 30/10, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã tổ chức chương trình TEDxBritishEmbassyHanoi về biến đổi khí hậu tại Học viện Ngoại giao.
Bên cạnh đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại. Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) công bố vào tháng 8/2021 chỉ ra rằng nhiệt độ toàn cầu có thể sẽ nóng lên 1,5°C trong một hoặc hai thập kỷ tới nếu chúng ta không hành động ngay lập tức.
Sự kiện TEDxBritishEmbassyHanoi thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trẻ (Ảnh: PV) |
Trước thềm Hội nghị COP26, sự kiện TEDxBritishEmbassyHanoi được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi hành động của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ trong cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu. Với 5 bài diễn thuyết truyền cảm hứng, sự kiện đã thu hút được hơn 200 người tham dự trực tiếp và trực tuyến. Dịp này, đại sứ Italia tại Việt Nam, Alessandro Antonio nhấn mạnh: “Khủng hoảng khí hậu ‘không hề có biên giới’. Bạn có thể làm những điều vĩ đại, hoặc làm những điều nhỏ theo cách vĩ đại. Thế hệ trẻ đang bắt đầu hành động và tôi tin rằng các bạn trẻ hoàn toàn có thể đưa ra những giải pháp hiệu quả và sáng tạo để ứng phó với biến đổi khí hậu".
Sự kiện còn có sự tham gia của hai đại diện cho thế hệ trẻ là Khánh Vy, một MC, Youtuber có sức ảnh hưởng trong cộng đồng trẻ và Thuỳ Linh, nhà hoạt động vì môi trường đã sáng lập nhiều dự án xanh, nổi bật nhất là dự án GLUE về việc tiêu dùng có trách nhiệm.
Trong phần chia sẻ về “Lối sống xanh, Hành động nhanh”, Khánh Vy chia sẻ: “Lối sống xanh không phải là một xu hướng, mà cần xuất phát từ chính động lực của bạn. Nếu bạn đủ mạnh mẽ để đánh đổi sự ‘tiện lợi’ bằng sự ‘bền vững’, bạn sẽ nhận thấy giá trị thật sự của lối sống này.”
Đồng quan điểm đó, thông qua bài diễn thuyết “Không bao giờ là quá muộn để cất tiếng nói”, Thuỳ Linh chia sẻ: “Không có quy định nào về độ tuổi trở thành một nhà hoạt động vì khí hậu. Hãy đưa bản thân lên chuyến bay của những “thủ lĩnh” quan tâm và nhận thức về vấn đề này từ khi 10 tuổi, lên 25 tuổi, đạt ngưỡng 45 hay thậm chí là 70. Trên con đường trở thành một nhà hoạt động vì khí hậu, hãy bắt đầu hành động từ những điều nhỏ nhất, tiếp cận vấn đề bằng “tôi muốn làm” thay vì “tôi phải làm” và cho phép bản thân có đôi chút sai sót để nhận thức sâu sắc hơn, tiếp cận sáng tạo hơn về vấn đề toàn cầu này.”
Bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Live&Learn cho biết: “Làm việc với các bạn trẻ từ 2009, tôi rất vui tìm thấy và được truyền cảm hứng từ thế hệ trẻ với say mê và quan tâm cho môi trường và biến đổi khí hậu. Cả thế hệ Y và Z các bạn rất sáng tạo với ý tưởng và cách làm, từ những dự án tái chế, bảo vệ rừng, năng lượng sạch cho người nghèo, theo dõi chất lượng không khí tới tham gia đối thoại với các cơ quan quản lý nhà nước. Các tổ chức phi chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành và học hỏi cùng thế hệ trẻ để hành động vì khí hậu.”
Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Link gốc bài viết: https://dangcongsan.vn/xay-dung-xa-hoi-an-toan-truoc-thien-tai/viet-nam-cam-ket-giam-phat-thai-rong-bang-0-vao-2050-595696.html
Bài viết khác
Cho phép điện mặt trời mái nhà được mua bán trực tiếp, không qua EVN
Nghị định Chính phủ vừa ban hành cho phép dự án điện mặt trời mái nhà hay điện rác, sinh khối có thể được mua bán trực tiếp không qua EVN. Nội dung trên được nêu tại Nghị định của Chính phủ về cơ chế mua bán trực tiếp giữa bên phát năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA), ngày 3/7.
Kết quả tính toán hiệu quả kinh tế và tổn thất của điện mặt trời mái nhà tự dùng
Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, không cạn kiệt. Nguồn điện từ điện mặt trời mái nhà giúp tiết kiệm chi phí tiền điện do không sử dụng điện lưới, hoặc giảm chi phí tiền điện theo giá điện sinh hoạt bậc thang; chi phí vận hành và bảo trì thấp; suất đầu tư đối với điện mặt trời giảm bình quân trên 10%/năm trong những năm gần đây; làm giảm lượng khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Ngoài ra, sử dụng điện mặt trời còn làm tăng thêm khả năng cạnh tranh hàng hoá khi áp dụng chứng chỉ xanh.
INVERTER Hybird là gì? Sự khác nhau giữa các loại inverter?
Đối với hệ thống điện mặt trời, inverter là một trong những bộ phận vô cùng quan trọng mà bạn cần phải lựa chọn và tìm hiểu thật kỹ trước khi sử dụng. Tùy thuộc vào từng loại hệ thống điện mặt trời, chúng ta sẽ có các loại inverter tương ứng như inverter On-Grid, inverter Off-Grid và inverter Hybrid.
SCADA là gì? Vì sao nên lắp đặt hệ thống Scada?
Để đáp ứng nhu cầu của người dùng, có rất nhiều đơn vị nhận lắp đặt hệ thống giám sát SCADA. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc tìm hiểu thật kỹ và lựa chọn đơn vị uy tín. Để đảm bảo quyền lợi của đơn vị hay gia đình mình trong việc thu lợi ích kinh tế từ hệ thống điện năng lượng mặt trời.